Trường Đại học Kinh tế, Kỹ thuật công nghiệp đẩy mạnh phát triển nhân lực phục vụ nền công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam
Trường Đại học Kinh tế, Kỹ thuật công nghiệp đẩy mạnh phát triển nhân lực phục vụ nền công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam
Khoa Điện tử và Kỹ thuật Máy tính
Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, Bộ Công Thương
Từ khi Việt Nam được xác định là điểm đến triển vọng của ngành công nghiệp bán dẫn trong toàn cầu khi có vị trí địa lý thuận lợi, hệ thống chính trị ổn định,… nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã lựa chọn Việt Nam và có kế hoạch mở rộng đầu tư như Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor… Từ đây xuất hiện thực trạng thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.
Xác định được tầm quan trọng của ngành bán dẫn, Việt Nam đang ra sức xây dựng chủ trương, chính sách đào tạo nhân lực để đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo dự báo của các chuyên gia, tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn - vi mạch của Việt Nam trong 5 năm tới khoảng 20.000 người và 10 năm tới khoảng 50.000 người từ trình độ đại học trở lên. Trong khi, cộng đồng vi mạch cả nước có tổng hơn 5.000 kỹ sư, chuyên gia chủ yếu tập trung vào thiết kế vi mạch. Tính đến nay, đã có hơn 50 doanh nghiệp FDI lớn đầu tư vào Việt Nam, chọn Việt Nam là nơi dừng chân để xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp linh kiện bán dẫn
Ở Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh lĩnh vực Công nghiệp bán dẫn vẫn đang phụ thuộc 100% nguồn cung chip bán dẫn từ nước ngoài; các doanh nghiệp này mới chỉ tham gia khâu thiết kế với tổng doanh thu toàn cầu khâu này năm 2022 đạt khoảng 215 tỉ USD; điều này đồng nghĩa với việc, nhân lực ngành bán dẫn ở Việt Nam hiện đã có, nhưng vẫn còn hạn chế về số lượng, hơn nữa các công đoạn liên quan khác trong lĩnh vực này, nguồn nhân lực cũng còn rất thiếu.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cũng đã khẳng định, lĩnh vực Điện tử - Bán dẫn sẽ đòi hỏi một nguồn lực lao động rất lớn tại Việt Nam; sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao ở lĩnh vực này trong thời điểm hiện tại, chính là điểm nghẽn lớn hiện nay để thu hút các tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch địa điểm đầu tư, nghiên cứu phát triển hay mở rộng dây chuyền sản xuất tại Việt Nam.
Cánh cửa phát triển của Việt Nam đã mở rộng, khi Việt nam và Hoa Kỳ Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào 9/2023. Nhiều cơ hội lớn đến với chúng ta trong các lĩnh vực công nghệ cao như Công nghệ năng lượng, công nghệ bán dẫn hay trí tuệ nhân tạo,… nhưng việc phải phát triển ngay nguồn nhân lực tiếp nhận và triển khai cơ hội này lại trở thành thách thức to lớn của chúng ta.
Theo ý kiến các chuyên gia của Bộ GD&ĐT và Bộ KH&CN; để khơi thông tắc nghẽn về nguồn nhân lực, bên cạnh định hướng rõ ràng của các cơ chế chính sách nhằm tạo ra các nguồn lực hỗ trợ hiệu quả từ nhà nước; rất cần sự chủ động vào cuộc, liên kết hành động của các cơ sở giáo dục đại học khi tập trung việc xây dựng chương trình đào tạo, kết hợp cùng các doanh nghiệp, liên kết đào tạo nhân lực chất lượng cao, làm tiền đề cho việc thu hút đầu tư, phát triển thị trường lao động.
Các cơ sở giáo dục đại học cần nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên, đội ngũ chuyên gia phục vụ nghiên cứu, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước; đồng thời cần có những giải pháp, kế hoạch cụ thể để thu hút những học sinh phổ thông, sinh học đăng ký theo học về lĩnh vực bán dẫn.
Nắm bắt chủ trương của Chính phủ, Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp đã chỉ đạo khoa Điện tử và Kỹ thuật máy tính nhanh chóng phát triển chương trình đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn nhằm phục vụ ngay nhu cầu nhân sự cho các tập đoàn công nghệ đầu tư tại Việt nam. Ngay trong năm 2023, Khoa Điện tử và Kỹ thuật máy tính đã hoàn thành việc xây dựng phát triển chuyên ngành Công nghệ thiết kế và chế tạo vi mạch trong ngành điện tử viễn thông, hoàn thiện đầy đủ thiết bị, cơ sở vật chất cùng các học liệu để phục vụ kịp thời cho công tác đào tạo. Sau khi nhận được quyết định ban hành bổ xung chuyên ngành Kỹ thuật thiết kế và chế tạo vi mạch; ngay trong học kỳ 2 năm học 2023-2024, khoa Điện tử và Kỹ thuật máy tính đã triển khai đào tạo lứa sinh viên đầu tiên (K14 ngành điện tử viễn thông) theo chuyên ngành mới. Đồng thời, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đã được đẩy mạnh trong hầu hết các ngành gần cùng các ngành có liên quan như: Ngành Điện tử viễn thông, kỹ thuật máy tính, công nghệ thông tin, điều khiển tự động hóa, cơ điện tử….. nhằm bổ trợ về chuyên môn chuyên sâu trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển sản phẩm; đồng thời đa dạng hóa nguồn cung về nhân sự trong lĩnh vực công nghiệp này.
Thông qua các chương trình hợp tác đào tạo, khoa Điện tử và Kỹ thuật máy tính nhận được nhiều xuất học bổng từ Đại học Cao Hùng, Đại học Quốc gia Yang Ming Chiao Tung, Đại học Khoa học - Kỹ thuật Minh Tân,…cho các giảng viên và sinh viên muốn học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ.
Chúng tôi tin tưởng rằng, trong thời gian tới trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp sẽ cung cấp cho thị trường lao động tại Việt Nam nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nhu cầu nhân lực trong nhiều công đoạn, từ quản lý, sản xuất đến đo kiểm chất lượng cũng như nghiên cứu, chế tạo sản phẩm mới … trong lĩnh vực bán dẫn; đáp ứng tốt nhu cầu khắt khe của các doanh nghiệp, hay các tập đoàn khoa học công nghệ lớn đầu tư tại Việt Nam.